Hội thảo cơ sở khoa học nghiên cứu về phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam

03:27 PM 07/02/2018 |   Lượt xem: 1897 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Trịnh Quang Cảnh - Phó Giám đốc Học viện Dân tộc. Về phía đơn vị chủ trì đề tài khoa học cấp Nhà nước có TS. Nguyễn Hồng Vỹ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc (HVDT); TS. Hoàng Hữu Bình - Chủ nhiệm Đề tài cùng các thành viên chính tham dự. Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý và chuyên gia của các cơ quan, các trường đại học và viện nghiên cứu.

TS. Trịnh Quang Cảnh - Phó Giám đốc Học viện Dân tộc cho biết: Trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi đổi mới đến nay đã có nhiều chính sách cụ thể góp phần vào sự phát triển toàn diện đất nước, làm cho bức tranh xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào các tộc người thiểu số có nhiều chuyển biến khởi sắc nhằm phát triển bền vững đối với các DTTS nói chung và dân tộc Mông nói riêng. Chính vì vậy cần nhận diện một số vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển bền vững dân tộc Mông hiện nay. Đồng thời, dự báo xu hướng vận động của những vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam đến năm 2030. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sác dân tộc nhằm phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam đến năm 2030.

Nắm bắt được xu hướng này, được sự đồng ý của Ủy ban Dân tộc,  Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc (HVDT) đã tổ chức triển khai nghiên cứu đề tài “Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững dân tộc Mông ở Việt Nam” và giao cho TS. Hoàng Hữu Bình làm chủ nhiệm. Hội thảo lần này mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp giá trị của các nhà khoa học, qua đó giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có những định hướng tốt hơn để hoàn thành đề tài một cách hiệu quả nhất.

Tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài và các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung đề cập tới các lĩnh vực liên quan đến Đề tài, gồm một số vấn đề như: Cách tiếp cận và định hướng nội dung nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu và khung lý thuyết; xác định nội dung nghiên cứu, trong đó tập trung vào các vấn đề cốt lõi của Đề tài (gồm: Đánh giá hiệu quả và tác động của chính sách phát triển KT-XH đến phát triển bền vững dân tộc Mông; chỉ ra những vấn đề đang đặt ra của phát triển bền vững ở dân tộc Mông; đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách phát triển bền vững của các DTTS trong bối cảnh hiện nay).

Qua Hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiếp cận, lĩnh hội được những kinh nghiệm, kiến thức quý báu trong nghiên cứu phát triển bền vững của các tộc người thiểu số nói chung và người Mông nói riêng hiện nay, để Ban Chủ nhiệm vận dụng và triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, nhằm mục tiêu tư vấn chính sách, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc ở nước ta.

TS. Hoàng Hữu Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự phối hợp chặt chẽ của Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc trong thời gian tới. Các nội dung góp ý sẽ được nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện các sản phẩm và báo cáo tổng hợp của Đề tài.

Hồng Vĩ