Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp: Nền tảng của sự phát triển bền vững
12:00 AM 02/11/2020 | Lượt xem: 563 In bài viết |Trong nhiều năm qua, các địa phương trên cả nước đã có nhiều chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các mô hình tổ chức sản xuất mới mang lại hiệu quả.
Việc tăng cường khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với trình độ của người nông dân, sát với thực tế phát triển nông nghiệp và nông thôn của từng vùng được coi là khâu then chốt để tạo ra được bước đột phá trong phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh hiện nay.
Ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang cho biết: Từ các kết quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của tỉnh. Các dự án như: Ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống mía; dự án ứng dụng công nghệ tưới và dự án bón phân nén NPK nhả chậm... giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Các dự án nghiên cứu, ứng dụng và xây dựng thương hiệu sản phẩm đã tạo ra các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu của Tuyên Quang như: Cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên), chè Tân Trào (Sơn Dương), miến dong Nhữ Hán (Yên Sơn)…
Là tỉnh miền núi thuộc phía Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có diện tích tự nhiên hơn 977 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 316 nghìn ha. Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Lâm Đồng đã có gần 40 nghìn ha diện tích nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp và 18% giá trị ngành Nông nghiệp của tỉnh, đưa doanh thu bình quân đạt 130 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng đến hai tỷ đồng/ha.
Tại tỉnh Hà Giang, nhờ tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất, Hà Giang hiện có bốn sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đó là cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà Cao Nguyên đá, hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Rui Xín Mần và 92 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây. Trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích bắp, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới, sử dụng giống của Việt Nam. Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới…
Việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao lợi thế, vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp là nhu cầu thực tế của các địa phương và quốc gia. Tuy nhiên, chỉ khi áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đưa công nghệ mới để ứng dụng trong sản xuất mới thực sự tạo được bước đột phá trong việc nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống cho người nông dân.
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập hiện tại: 1253
Tổng số truy cập: 4809700