Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở vùng DTTS và miền núi: Nhiều tín hiệu vui

12:00 AM 08/11/2020 |   Lượt xem: 209 |   In bài viết | 

Sản phẩm chanh leo trên địa bàn Mộc Châu, Sơn La được nhà máy tại địa bàn trực tiếp bao tiêu sản phẩm

Sơn La là một trong những địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn tỉnh có hơn 430ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới nước tự động; 50ha trồng rau, củ quả, hoa trong nhà lưới, nhà kính; hơn 10.000ha cây ăn quả được ghép cải tạo bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao; hơn 9.800ha cây trồng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Ông Kiều Quốc Nhật, Phó Giám đốc Hợp tác chanh leo Mộc Châu cho biết: Trước đây, chúng tôi chủ yếu trồng và chăm sóc cây chanh leo theo cách truyền thống nên năng suất, chất lượng còn thấp. Từ năm 2018, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất theo mô hình tưới nhỏ giọt tự động, kết hợp với phun thuốc bảo vệ thực vật, nên chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, chất lượng được nâng cao. Nhờ đó, sản phẩm chanh leo của chúng tôi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn tại nhiều siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Mỗi ha chanh leo của chúng tôi đã cho thu nhập khoảng 200 - 250 triệu đồng.

Còn đối với mô hình chăn nuôi, đặc biệt là nuôi bò lấy sữa cũng đã được người dân nơi đây ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, 100% các hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã sử dụng máy vắt sữa thay vì vắt sữa bò bằng tay như trước. Việc xây hầm, bể chứa, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải của bò; sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng được thực hiện khoa học, bài bản...

Còn tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản với quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Quang Thịnh, ở thôn Làng Kim, xã Quang Kim. Anh Thịnh đã áp dụng mô hình trồng dưa trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới nước, bón phân tự động, do đó cây trồng có thể chịu được tác động xấu của thời tiết, ngăn ngừa côn trùng, dịch bệnh nên phát triển xanh tốt, cho quả to, đẹp. Với diện tích trồng 2.000m2, sản lượng thu được sau mỗi vụ đạt hơn 5 tấn dưa, trừ chi phí, gia đình anh Thịnh lãi khoảng 200 triệu đồng.

Theo số liệu thống kê của huyện Bát Xát, hiện nay trên địa bàn có hơn 634ha diện tích ứng dụng công nghệ cao và một phần công nghệ cao, trong đó, diện tích trồng rau là 99ha, diện tích trồng cây ăn quả là 355ha, 175ha trồng chè và 50ha trồng cây dược liệu.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN & PTNT), việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong từng khâu của quá trình sản xuất sẽ tạo ra sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhằm khẳng định vị trí của sản phẩm nông nghiệp Việt. Đặc biệt, khi Việt Nam chính thức được thông qua thỏa thuận Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh thị trường thế giới.

(baodantoc.vn)