Nông nghiệp miền núi đón “sóng” 4.0

12:00 AM 30/01/2021 |   Lượt xem: 1153 |   In bài viết | 

Triển vọng phát triển

Ai một lần ghé thăm vườn dâu tây của Công ty Chimi tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La), hẳn sẽ rất ấn tượng, bởi không gian rộng và xanh mát đầy sức sống của những vườn dâu tây này. Với 6ha dâu tây và rau các loại (trong đó có 8.000m² nhà kính) đang cho Công ty này thu mỗi năm hơn 60 tấn quả, với giá bán 200.000 - 400.000 đồng/kg.

Anh Vũ Văn Lực, Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ diện tích trồng dâu tây đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, theo công nghệ Israel. Trên các luống dâu tây có phủ màng nylon nên không tốn công chăm sóc, làm cỏ, vì vậy đã giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho Công ty. Sản phẩm được bán tại chỗ cho khách du lịch và một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. Hiện, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; vào vụ thu hoạch phải thuê hơn 100 lao động/ngày.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có trên 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, hơn 30ha nhà lưới, nhà kính, gần 60 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt của Israel và 35 chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn. Toàn huyện có 286ha sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Cũng như huyện Mộc Châu, còn có nhiều huyện miền núi khác của tỉnh Sơn La, cũng như các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Cao Bằng… đang tích cực xây dựng, triển khai các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, những năm gần đây, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như, TH Trumilk, Vingroup, NutiFood, Dalat Hasfarm… Nhiều dự án nông nghiệp CNC đi vào hoạt động đem lại hiệu quả rõ rệt.

Với tốc độ mở cửa, đón sóng này, đã làm thay đổi tư duy kinh tế trong đồng bào DTTS và miền núi. Đồng bào đã bắt đầu có khái niệm về nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều hộ còn biết sử dụng điện thoại thông minh, dùng mạng Internet để giới thiệu, bán sản phẩm qua các sàn như: Postmart, Tiki, Shopee...

Vẫn cần… gỡ khó

Tuy ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, nhưng đến nay, trên cả nước mới chỉ có 45 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Bởi, một số vùng miền vẫn “khát” công nghệ và quy trình kỹ thuật mới để biến những tiềm năng của mình thành các sản phẩm chủ lực.

Phát triển nông nghiệp CNC đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn, đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp CNC ở các vùng này còn hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận KH&CN. Các doanh nghiệp có thế mạnh của vùng DTTS và miền núi là nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt... chưa theo kịp với nhu cầu sản xuất để kết nối giữa KH&CN và thị trường.

TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cải thiện thực tế này, không chỉ tự địa phương quyết định, mà cần những chính sách định hướng phát triển nông nghiệp CNC, những ưu đãi về đất đai, thuế; khuyến khích hình thức liên kết...; nhất là cần có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng các khu nông nghiệp CNC cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia...

Bên cạnh đó, cần có những quy định và sự vào cuộc của các cấp chính quyền để có sự ràng buộc trong chuỗi liên kết sản xuất 4 nhà, qua đó, phát huy hết khả năng ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp.

(baodantoc.vn)