Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi

12:00 AM 21/11/2020 |   Lượt xem: 236 |   In bài viết | 

Sản phẩm KH&CN được trưng bày tại Hội thảo “Vai trò Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”

Trong những năm qua, vùng DTTS và miền núi thụ hưởng nhiều chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) lớn như: Chương trình những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) nông thôn miền núi, vùng DTTS; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Trong 10 năm đã có 6 chương trình KH-CN liên quan đến DTTS và miền núi, với 1.115 đề tài, dự án, 4,324 mô hình cho thấy sự quan tâm đầu tư đối với khu vực này.

Các chương trình, nhiệm vụ KH-CN phục vụ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đã được triển khai đúng hướng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi; các nhiệm vụ nghiên cứu đã huy động nguồn vốn đầu tư, trong đó có cả ngân sách, doanh nghiệp và đóng góp của người dân, để nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, làm cho hoạt động nghiên cứu gắn bó với thực tiễn của địa phương, người dân được hưởng những thành quả do KHCN mang lại.

Từ các đề tài, dự án, mô hình, người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập và thay đổi tập quán sản xuất. Các sản phẩm địa phương như hoa hồi, na Chi Lăng, chè Shan Tuyết (Sơn La), cafe Buôn Mê Thuột, hồ tiêu Chư Sê... đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiến bộ, xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản xuất tại một số địa bàn đặc biệt khó khăn, chậm phát triển, vùng dân tộc ít người. Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS và miền núi thời gian qua đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Từ năm 2011-2020, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 719 dự án KHCN tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi. Kết quả đạt được từ các chương trình KHCN khá toàn diện, đã tác động tốt đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, làm chuyển biến mọi mặt vùng DTTS và miền núi. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa được phân phối trên các thị trường, đã có nhiều mô hình ứng dụng KHCN tiên tiến điển hình trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Sau 07 năm triển khai thực hiện, Chương trình “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra và thu hút 40 tổ chức và 600 nhà khoa học tham gia thực hiện các đề tài. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiệu quả. Trong đó, 31 đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp và địa phương. 21 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ; 11 sản phẩm được công nhận độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích và tiến bộ kỹ thuật; 05 sản phẩm được thương mại hoá. Hơn 20.000 đơn vị sản phẩm thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng được sản xuất thử nghiệm theo quy chuẩn. 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, mô hình phát triển KT - XH địa phương. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, có đầu ra, các kết quả nghiên cứu và triển khai có thể ứng dụng và được nhân rộng tại các địa phương làm động lực và cơ sở cho sự phát triển KT-XH bền vững...

Qua 5 năm thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2025, 400 dự án đã được phê duyệt, triển khai trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng. Các dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ được triển khai trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ bảo quản, chế biến... Dự kiến khi các dự án kết thúc sẽ xây dựng được trên 1.300 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN; chuyển giao trên 2.100 lượt công nghệ mới, tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho 1.800 cán bộ quản lý, trên 3.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương; tập huấn cho trên 78.000 lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ.

Các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghiệp, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đóng góp vào phát triển KT-XH của đất nước mà đã trực tiếp đóng góp có hiệu quả và làm thay đổi diện mạo đời sống, KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. KHCN đã hỗ trợ tích cực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các mô hình tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả.

Đặc biệt, việc hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của địa phương, giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm...

Được biết, sau 10 năm thực hiện, các nhiệm vụ KHCN thuộc chương trình này đã có 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN được hình thành và phát huy hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 3.000 lao động thường xuyên và 9.000 lao động thời vụ; chuyển giao trên 2.300 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng, miền...

Có thể thấy, việc áp dụng KHCN ở vùng DTTS cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp; xây dựng được những mô hình có tính khả thi cao, hướng đến giải quyết những vấn đề KT-XH có tầm quan trọng đối với địa phương, như việc nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Điều này sẽ thúc đẩy tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế nông nghiệp của từng vùng.