Điện Biên: Nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS

12:00 AM 27/10/2020 |   Lượt xem: 332 |   In bài viết | 

Học viên lớp đào tạo nghề huyện Tủa Chùa thực hành kỹ thuật thu hoạch, bảo quản ngô (ảnh tư liệu)

Trên cơ sở nội dung, nhiệm vụ đã được xác định, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể hàng năm. Trong đó, xác định các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện. Sau khi ký kết Chương trình và Kế hoạch phối hợp, 2 cơ quan đã tích cực phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định, từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ gắn với lĩnh vực công tác dân tộc tại địa phương. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc được tham gia nghiên cứu chuyển giao khoa học.

Thông qua việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Dân tộc và Sở Khoa học và Công nghệ đã mở ra nhiều hướng đi mới trong hoạt động khoa học và công nghệ. Không chỉ tăng thêm kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm, mà cơ hội để tham gia các nhiệm vụ khoa học cũng được tăng cường thêm; các hoạt động khoa học và công nghệ ở địa phương cũng gắn với công tác dân tộc hơn, tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc và phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (DTTS)...

Phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức tốt các hoạt động nhằm giúp đồng bào DTTS với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Thông qua các hoạt động phối hợp đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân các dân tộc trên nhiều lĩnh vực; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo; khẳng định vị trí quan trọng của mình trong gia đình và xã hội, đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH của địa phương.

Kết quả, giai đoạn 2014 - 2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh và một số cơ quan Trung ương tổ chức triển khai thực hiện 129 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Cụ thể: 11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp bộ; 09 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi; 02 nhiệm vụ cấp thiết của địa phương; 118 nhiệm vụ cấp tỉnh.

Qua các hoạt động được triển khai tại địa bàn, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt… đã đến được với bà con nông dân, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH bền vững trên địa bàn tỉnh. Các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã tập trung giải quyết 03 vấn đề chính là: chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng các công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình ứng dụng nhằm đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cộng tác viên cơ sở, người dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Thông qua các chương trình, dự án, đã góp phần hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho nhiều cán bộ kỹ thuật và người dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH và tập quán sản xuất, sinh hoạt của địa phương. Đây thực sự là đội ngũ nòng cốt để tiếp tục duy trì, nhân rộng và phát huy kết quả sau khi dự án kết thúc.

Để tăng cường hiệu quả công tác ứng dụng khoa học công nghệ vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên xác định một số giải pháp trọng tâm như:  Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về vai trò khoa học công nghệ với quản lý nhà nước về công tác dân tộc, giảm nghèo và phát triển KT-XH; Tăng cường và đổi mới các nội dung hình thức tuyên truyền, phổ biến;  Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đặc biệt là cán bộ là người DTTS;  Nghiên cứu, xây dựng chương trình khoa học cấp tỉnh về các hoạt động liên quan đến công tác dân tộc; ưu tiên bố trí vốn cho các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số;  Chú trọng đổi mới, tiếp tục đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.