Áp dụng khoa học công nghệ: Cơ hội đẩy nhanh tái cơ cấu lâm nghiệp
12:00 AM 11/10/2020 | Lượt xem: 328 In bài viết |Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp không chỉ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, mà còn góp phần quan trọng trong việc triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai
Thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2020,ngành Lâm nghiệp đã nghiên cứu được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng. Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt năng suất bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm. Bên cạnh đó, ngành cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại kết quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành Lâm nghiệp.
Đồng thời, ngành cũng đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng… Kết quả nghiên cứu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta đạt trên 11,3 tỷ USD năm 2019.
Tại các địa phương như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đã ứng dụng công nghệ sản xuất cây giống trồng rừng bạch đàn và keo lai bằng phương pháp cấy mô - hom, ứng dụng Camera trong cảnh báo sớm, phát hiện cháy rừng, ứng dụng công nghệ theo dõi giám sát rừng…
Điển hình như tại Tuyên Quang đã nghiên cứu và áp dụng lai tạo thành công giống keo tai tượng thành 2 dòng keo lai mới là, dòng keo lai 102 và BV34 có năng suất, chất lượng cao hơn so với giống cũ. Không chỉ nghiên cứu và ứng dựng lai tạo giống mới, Tuyên Quang còn ứng dụng kỹ thuật nhân giống keo lai bằng phương pháp mô - hom, cấy mô. Phương pháp này đã rút ngắn thời gian ươm, hạ giá thành cây giống… Nhờ đó tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh Tuyên Quang luôn được duy trì ổn định và đạt trên 65%, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt khoảng 845 nghìn m3/năm.
Cần có sự đầu tư đồng bộ từ nghiên cứu đến áp dụng thực tiễn
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên hiện nay việc áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển lâm nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay để thúc đẩy ngành Lâm nghiệp phát triển, không những cần áp dụng khoa học công nghệ, mà cần phải có sự đầu tư đồng bộ từ khâu lựa chọn giống cây trồng đến, sản xuất chế biến.
Tại Hội thảo Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 6/2020 vừa qua, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Để phát triển ngành Lâm nghiệp, tiến tới tái cơ cấu lâm nghiệp, trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp cần đẩy mạnh việc tập trung nghiên cứu khoa học về biến đổi gen, tạo ra giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; phải có tầm nhìn cho việc nghiên cứu cơ bản khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, giải quyết dịch bệnh; nghiên cứu để tạo ra giống bản địa, mở rộng theo dõi gắn với quản lý rừng bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chế biến gỗ…
(baodantoc.vn)
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số lượt truy cập hiện tại: 1253
Tổng số truy cập: 4809700