Ủy ban Dân tộc nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Những vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai ở vùng DTTS và miền núi

09:33 PM 19/01/2021 |   Lượt xem: 2029 |   In bài viết | 

TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì phiên họp của Hội đồng

Đề tài Những vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai ở vùng DTTS và miền núi (mã số CTDT.39.18/16-20) do PGS. TS. Trần Đức Hiệp là Chủ nhiệm Đề tài; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu.

Được triển khai từ năm 2018 - 2020, mục tiêu của Đề tài nhằm thực hiện 3 mục tiêu gồm: Làm rõ kết quả, hiệu quả, tác động của luật pháp, chính sách về đất đai ở vùng DTTS và miền núi từ năm 1986 đến nay; Nhận diện những vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai ở vùng DTTS và miền núi hiện nay; từ đó, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai ở vùng DTTS và miền núi đến năm 2030.

Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, Đề tài đã xây dựng khung mô hình khái niệm nghiên cứu gồm 10 bước. Từ đó, nhận diện những vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai vùng DTTS và miền núi thông qua các tiêu chí xác định, Đề tài xác định 05 vấn đề cơ bản và 08 vấn đề cấp bách về đất đai vùng DTTS và miền núi; với 05 xu hướng diễn biến chính là: thu hẹp quỹ đất đai; chênh lệch bình quân đất đai trên đầu người; tích tụ ruộng đất; tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến quỹ đất đai và chuyển đổi các hình thức sinh kế vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đề tài đã đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai vùng DTTS và miền núi đến năm 2030, với các nhóm giải pháp cụ thể và cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù cho 04 vùng địa lý: Trung du, miền núi phía Bắc; Bắc và Nam trung bộ; Tây Nguyên và Nam bộ.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu

Đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm, các sản phẩm của Đề tài đều vượt so với yêu cầu, có giá trị khoa học và thực tiễn. Góp ý cho báo cáo của Đề tài, các thành viên trong Hội đồng đề nghị cần kết cấu lại nội dung cho cân đối; bổ sung một số công trình nghiên cứu mới, một số Báo cáo giám sát của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất đai, giao đất giao rừng...; tăng cường phân tích hiệu quả tác động của các chính sách và một số nội dung nội cộm, còn vướng mắc; bổ sung giải pháp phát huy nội lực của vùng DTTS và miền núi; tạo cơ chế, tăng cường nguồn vốn tín dụng chính sách, chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp hiện đại...

Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Xuất sắc” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện báo cáo của Đề tài.