UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Những giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người ở nước ta hiện nay

10:07 PM 14/01/2021 |   Lượt xem: 1194 |   In bài viết | 

PGS. TS. Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì phiên họp của Hội đồng

PGS. TS. Phạm Quang Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng; đại diện cơ quan quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban Chủ nhiệm đề tài và một số nhà khoa học.

Đề tài “Những giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển các DTTSRIN ở nước ta hiện nay”; mã số CTDT.42.18/16-20 do PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái là Chủ nhiệm Đề tài, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên là cơ quan chủ trì Đề tài.

Trên cơ sở hệ thống hóa, đánh giá kết quả, hiệu quả và những bất cập của chính sách bảo tồn và phát triển DTTSRIN ở nước ta từ năm 1990 đến nay, muc tiêu của Đề tài là làm rõ thực trạng đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH), văn hóa của các DTTSRIN hiện nay; nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong bảo tồn và phát triển các DTTSRIN; dự báo xu hướng biến đổi các vấn đề trong cộng đồng các DTTSRIN ở nước ta trong thời gian tới; chỉ ra những khoảng trống trong hệ thống chính sách và đề xuất quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chính sách bảo tồn và phát triển các DTTSRIN ở nước ta đến năm 2030.

Đề tài tập trung nghiên cứu tại địa bàn 48 xã, 37 huyện thuộc 13 tỉnh. Đồng thời nghiên cứu chính sách và quá trình thực thi chính sách bảo tồn và phát triển DTTSRIN từ năm 1990. Trong đó, tập trung phân tích kết quả, những bất cập tồn tại trong chính sách bảo tồn và phát triển DTTSRIN của nước ta trong vòng 10 năm trở lại đây.

PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái - Chủ nhiệm Đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu

Qua các kết quả nghiên cứu, Đề tài đã nhận diện một số vấn đề cơ bản trong bảo tồn và phát triển các DTTSRIN là: Không gian sinh tồn, sinh kế; Vệ sinh môi trường; Giáo dục đào tạo; Chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTSRIN; Đoàn kết dân tộc giữa người DTTSRIN với các tộc người cộng cư trên cùng địa bàn; Chính trị, an ninh, quốc phòng. Một số vấn đề cấp bách trong bảo tồn và phát triển DTTSRIN là: Quy mô dân số; Chất lượng dân số; Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn; Giao thông đi lại khó khăn; Chuyển giao, bảo tồn văn hóa và nguy cơ mất thành phần dân tộc.

Từ đó, Đề tài đã đưa ra quan điểm để nâng cao hiệu quả chính sách bảo tồn và phát triển các DTTSRIN, với các nhóm giải pháp như: Đảm bảo đời sống của đồng bào DTTSRIN; Nâng cao hiệu quả chính sách giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về hoạt động kinh tế; Nâng cao hiệu quả chính sách y tế, dân số và giáo dục; Nâng cao hiệu quả chính sách bảo tồn văn hóa - ngôn ngữ; Củng cố hệ thống chính trị cơ sở và tăng cường đội ngũ cán bộ; Nâng cao hiệu quả chính sách bảo vệ môi trường sống. Đề tài đã đưa ra những kiến nghị cụ thể, với các đầu mối, địa chỉ rõ ràng.

Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã triển khai nghiêm túc, số liệu điều tra được phân tích công phu, khai thác triệt để, đề xuất được bộ chỉ tiêu đánh giá chính sách phát triển DTTSRIT, có giá trị trong thực tiễn. Góp ý cho báo cáo của Đề tài, các thành viên trong Hội đồng đề nghị cần bổ sung những phân tích của các nội dung phỏng vấn sâu; phân tích sâu hơn về ngôn ngữ học, phát huy các giá trị, yếu tố để phát huy nội lực của từng dân tộc; tăng tính phản biện, mạnh dạn đổi mới tư duy trong phân tích và hoạch định chính sách, tính dự báo; làm rõ hơn xu hướng vận động của những vấn đề cơ bản và cấp bách; kiến nghị cần cụ thể hơn, nêu rõ địa chỉ tiếp nhận kiến nghị...

Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện báo cáo của Đề tài.