UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp để phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam

02:41 PM 14/01/2021 |   Lượt xem: 931 |   In bài viết | 

TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT chủ trì phiên họp của Hội đồng

TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng; đại diện cơ quan quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban Chủ nhiệm đề tài và một số nhà khoa học.

Đề tài Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp để phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam (mã số CTDT 38.18/16-20) do PGS. TS. Hà Thị Thu Thủy là Chủ nhiệm; Viện Nghiên cứu Xã hội và Nhân văn miền núi (Đại học Thái Nguyên) là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi, Đề tài đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, hiệu quả tác động của các chính sách phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay; nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển công nghiệp, đề xuất quan điểm, giải pháp, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi nước ta đến năm 2030.

Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát 12 tỉnh ở 4 vùng nghiên cứu, với 2.640 phiếu điều tra xã hội học, 360 phiếu phỏng vấn sâu; và nghiên cứu các tài liệu thứ cấp có liên quan... Từ đó, Đề tài đưa ra mục tiêu phát triển công nghiệp vùng DTTS và miền núi Việt Nam đến năm 2030 là: “Phát triển công nghiệp vùng DTTS và miền núi theo định hướng bền vững: tăng trưởng ngành công nghiệp ít nhất bằng mức bình quân ngành công nghiệp cả nước, rút ngắn khoảng cách với các vùng khác; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là người DTTS”.

Đại diện Ban Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu

Đề tài cũng đề xuất 03 kịch bản triển vọng phát triển công nghiệp vùng DTTS và miền núi với những phân tích cụ thể về: Quy mô giá trị sản xuất ngành công nghiệp của vùng DTTS và miền núi; Dự báo chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp thông qua sự chuyển dịch về số lao động và số cơ sở sản xuất công nghiệp; Dự báo nhu cầu nhân lực và vốn cho phát triển công nghiệp; Dự báo các vấn đề phát sinh do phát triển công nghiệp ở vùng DTTS và miền núi đến năm 2030 và phương hướng giải quyết.

Từ đề xuất quan điểm phát triển công nghiệp vùng DTTS và miền núi Việt Nam đến năm 2030, Đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển; đổi mới công tác quy hoạch phát triển và nhóm giải pháp định hướng phát triển theo vùng, cho các địa phương, cho các doanh nghiệp và dân cư vùng DTTS và miền núi.

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng

Đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã triển khai công tác nghiên cứu công phu, khoa học, với nguồn tư liệu, số liệu điều tra khảo sát tin cậy; sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ, có giá trị trong thực tiễn. Góp ý cho báo cáo của Đề tài, các thành viên trong Hội đồng đề nghị cần kết cấu lại nội dung cho cân đối, phục vụ tốt hơn cho mục đích nghiên cứu; phân tích rõ hơn phương pháp, tiêu chí đánh giá tác động, các bài học kinh nghiệm; tăng cường gắn kết sự tham gia của người DTTS trong các nội dung phân tích; bổ sung một số giải pháp như phát huy nội lực tại chỗ, huy động lồng ghép tốt hơn các nguồn vốn, gắn kết chặt chẽ hơn với định hướng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện báo cáo của Đề tài.