UBDT nghiệm thu đề tài cấp quốc gia: Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam

08:47 PM 26/01/2021 |   Lượt xem: 1737 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng

Đề tài “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam”, mã số CTDT.41.18/16-20 do TS. Trịnh Thị Thanh Thủy là Chủ nhiệm đề tài; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) là cơ quan chủ trì triển khai nhiệm vụ.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài nhằm làm rõ kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách phát triển thị trường ở vùng DTTS và miền núi từ năm 1986 đến nay; nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển thị trường ở vùng DTTS và miền núi nước ta; từ đó, đề xuất quan điểm, hệ thống các giải pháp, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục tạo lập, hoàn thiện và phát triển thị trường đối với vùng DTTS theo hướng bền vững.

Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, Đề tài tiến hành điều tra, khảo sát tại 16 tỉnh có tỷ lệ DTTS đông, tổng dân số DTTS của 16 tỉnh chiếm gần 62% tổng dân số DTTS của cả nước. Cùng với phân tích các tài liệu thứ cấp, các số liệu điều tra, Đề tài đánh giá tiêu chí phát triển thị trường theo các nhóm: thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường KH&CN ở vùng DTTS và miền núi.

Đề tài đã nhận diện các vấn đề cơ bản, cấp bách về thị trường ở vùng DTTS và miền núi nước ta hiện nay qua một số nội dung như: tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông; tập trung phát triển các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu; tạo điều kiện để người DTTS tham gia cung cấp dịch vụ công ích (trồng rừng, bảo vệ môi trường, quốc phòng); chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển nguồn nhân lực chưa đầy đủ; chuyển dịch cơ cấu việc làm chậm; quy mô, cơ cấu hàng hóa thị trường tài chính nhỏ và yếu, chưa đồng bộ; chuyển giao nghiên cứu rất ít và chậm; kết nối giữa các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp hạn chế...

Từ công tác dự báo, Đề tài đưa ra quan điểm phát triển thị trường hàng hóa ở vùng DTTS và miền núi nước ta đến năm 2030 là đảm bảo theo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu; trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh và gắn với hội nhập quốc tế, phát triển thị trường hàng hóa theo hướng bền vững và công bằng, đảm bảo lợi ích cho các thành phần yếu thế và ít cơ hội phát triển; phát triển thị trường hàng hóa vùng DTTS là động lực để phát triển các thị trường khác như lao động, tài chính và KH&CN. Trên cơ sở đó, Đề tài đưa ra các kiến nghị, giải pháp đặc thù để phát triển cho từng nhóm thị trường cụ thể trong thời gian tới.

Đánh giá cao sự nghiên cứu công phu, với bộ số liệu có độ tin cậy cao, góp phần nâng cao cơ sở lý luận và thực tiễn của Đề tài, các thành viên Hội đồng đề nghị cần làm rõ hơn phạm vi, cách tiếp cận, khoảng trống trong nghiên cứu và các tiêu chí dự báo; rà soát, cấu trúc lại, đảm bảo sự kết nối giữa các chương; nhận diện rõ hơn các vấn đề cơ bản, cấp bách; phần giải pháp cần phân tách rõ các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, đề xuất cụ thể hơn nội dung lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi...

Kết thúc phiên họp, Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Đạt” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Đề tài theo quy định.