Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi

07:15 PM 20/12/2022 |   Lượt xem: 697 |   In bài viết | 

TS. Nguyễn Sỹ Tá, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (UBDT) chủ trì buổi nghiệm thu dự án

Mục tiêu của dự án nhằm điều tra, đánh giá thực trạng, chỉ ra những kết quả và những khó khăn, bất cập trong công tác tuyên truyền, từ đó, đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Dự án đã sử dụng phương pháp điều tra xã hội học, dựa trên 03 mẫu phiếu điều tra: dành cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện và xã; dành cho công chức cấp tỉnh, huyện, xã; dành cho người dân, đối tượng thụ hưởng chính sách. Công tác điều tra, khảo sát được tiến hành tại 08 xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới thuộc 04 huyện của 04 tỉnh: Sơn La, Cao Bằng, Kon tum và Kiên Giang. Ngoài ra, dự án đã thực hiện các phương pháp nghiên cứu như: phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia...

Điều tra thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, Dự án đã đánh giá thực trạng về nội dung tuyên truyền về các nhóm chính sách như: văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng; cùng với đó là thực trạng lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, phương thức tuyên truyền, phương tiện tuyên truyền... Dự án đã nhận diện những khó khăn, bất cập và vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền chính sách dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới vùng đồng bào DTTS.

ThS. Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (UBDT), Chủ nhiệm dự án phát biểu ý kiến tại phiên họp

Từ đó, Dự án đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách dân tộc như: Kế hoạch tuyên truyền cần đảm bảo tính toàn diện, thường xuyên, liên tục và có tính chiến lược; làm tốt công tác phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước; đổi mới, kiện toàn các cơ quan truyền thông và xác định chức năng phục vụ vùng đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa đội ngũ tuyên truyền viên, chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên tuyền là người DTTS ở cơ sở; tăng cường nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; đổi mới phương thức tuyên truyền; nâng cao chế độ đãi ngộ cho người làm công tác tuyên truyền; bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho hoạt động tuyên truyền...

Các giải pháp trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có các xã biên giới đặc biệt khó khăn; góp phần nắm bắt thông tin chính thống của người dân từ các cơ quan làm công tác tuyên truyền các cấp, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân. Đồng thời, là căn cứ quan trọng để UBDT, các bộ ban ngành, địa phương bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương để quan tâm, chăm lo, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định chính trị - xã hội, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.