Hội thảo góp ý xây dựng khung đề án phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
08:34 AM 20/05/2014 | Lượt xem: 670 In bài viết |Sáng ngày 23/04/2014, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Unicef tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng khung đề án phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và báo cáo nghèo đa chiều ở trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng chí Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và ông Jesper Moller, Phó Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Dự Hội thảo có các chuyên gia đại diện các Bộ, ngành Trung ương và Ban Dân tộc một số địa phương; đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan khẳng định: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020 đã xác định 3 vấn đề then chốt, cần đột phá, đó là phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế. Những vấn đề then chốt này không chỉ đúng trong phạm vi cả nước mà còn hoàn toàn đúng với vùng DTTS. Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS với những đặc thù riêng, tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân tộc tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBDT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng Đề án “phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Đây là đề án có tính đặc thù rất
cao, liên quan đến nhiều Bộ, ngành và các địa phương, do đó việc hoàn thiện
khung chi tiết của đề án là cơ sở để xây dựng dự thảo đề án. Thứ trưởng, Phó Chủ
nhiệm đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề như: sự cần thiết phải
xây dựng đề án; phạm vi, đối tượng điều chỉnh như thế nào; đánh giá thực trạng
nguồn nhân lực, thực trạng hệ thống chính sách hiện nay để phát triển nguồn nhân
lực DTTS đã phù hợp chưa, sát thực tế chưa? Đâu là nguyên nhân của những hạn chế
yếu kém; bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn hiện nay và dự báo giai đoạn
sau; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Hội thảo, đại biểu cũng đã
được nghe các báo cáo về thực trạng nghèo đa chiều của trẻ em DTTS, báo cáo tham
luận về các lĩnh vực liên quan đến vấn đề giáo dục, y tế, chất lượng dân số, hôn
nhân cận huyết thống và báo cáo tham luận về các lĩnh vực liên quan đến vấn đề
văn hóa, đào tạo nghề, các chính sách nguồn nhân lực. Các báo cáo chỉ ra rằng,
đồng bào DTTS tụt hậu hơn trong việc đạt những mục tiêu phát triển xã hội, cụ
thể: 66,3% đồng bào DTTS còn sống dưới mức chuẩn nghèo so với 13% đồng bào Kinh
năm 2010. Trẻ em DTTS không chỉ nghèo về thu nhập mà còn nghèo về cơ hội đạt
được các kết quả chăm sóc y tế, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ… Nhìn chung, thực
trạng nguồn nhân lực DTTS đang bộc lộ những bất cập trên nhiều kía cạnh như phân
bố dân số, cơ cấu nguồn lực, thể lực, trình độ học vấn của nguồn nhân lực DTTS
còn thấp….
Đa số các ý kiến của đại biểu góp ý cho khung đề án đều cho rằng: trước hết cần
đầu tư cho nhóm trẻ nhỏ từ 0 đến 5 tuổi và cung cấp một gói hỗ trợ toàn diện cho
trẻ em thuộc nhóm DTTS đặc biệt yếu thế hoặc khó tiếp cận. Gói hỗ trợ cần đảm
bảo mức sống cơ bản cho trẻ em. Các đại biểu nhận định rằng, điều này sẽ giúp
gia đình các hộ đồng bào DTTS thoát khỏi nghèo truyền kiếp và thúc đẩy sự phát
triển con người người của trẻ em. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng chỉ ra rằng cần
đưa các chương trình hỗ trợ và các chính sách tới gần với đồng bào DTTS hơn;
công tác phân bổ nguồn lực công nói chung và phân bổ nguồn lực cho các chương
trình, chính sách giảm nghèo nói riêng cần cải thiện theo hướng tăng cường sự
minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây sẽ là một thách thức rất lớn, đặc biệt
là vượt qua lợi ích nhóm vốn đã được tạo ra từ lâu bởi chính cơ chế phân bổ và
quản lý nguồn lực công hiện nay.
Sơn Nam
Nguồn cema.gov.vn
[TT: TBC]