Ủy ban Dân tộc tọa đàm về chính sách người Hoa ở Việt Nam
10:45 AM 19/08/2013 | Lượt xem: 1464 In bài viết |Ngày 16/08/2013, tại trụ sở cơ quan Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Khoa học UBDT đã tổ chức buổi Toạ đàm về chính sách dân tộc dành cho người Hoa tại Việt Nam. Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan UBDT; Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; Đinh Hồng Vận, Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí thành viên Hội đồng khoa học cơ quan UBDT, đại diện Lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của UBDT.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Để giúp các đại biểu hiểu hơn về tình hình, đặc điểm của dân tộc Hoa tại Việt Nam, đồng chí Đinh Hồng Vận, Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương đã trình bày báo cáo về dân tộc Hoa tại Việt Nam. Theo đó, dân tộc Hoa là những người gốc Trung Quốc. Người Trung Quốc bắt đầu di cư vào Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong 2 thiên niên kỷ kể từ đó, nhiều làn sóng người Trung Quốc, gồm nhiều đối tượng đã đến định cư tại Việt Nam. Nhiều thế hệ người Trung Quốc định cư tại Việt Nam đã có quan hệ hợp hôn với người Việt bản xứ và con cháu họ trở thành người Việt Nam. Người Hoa là một trong 54 dân tộc của Việt Nam. Dân tộc Hoa có trình độ phát triển cao so với các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam; người Hoa ảnh hưởng và hội nhập với văn hóa các dân tộc Việt Nam; người Hoa có ý thức cộng đồng cao, có ý thức tương trợ lẫn nhau, họ tổ chức những hội đoàn (những người đồng tộc, đồng hương, cùng nghề nghiệp…); người Hoa chia thành 5 nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ; khoảng 40 triệu người Hoa có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới và đông nhất là ở Đông Nam Á; ở Việt Nam có khoảng 82 vạn người Hoa sinh sống ở trên khắp cả nước, họ sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh. Người Hoa có mối quan hệ rất tốt với các dân tộc Việt Nam và đối xử với các dân tộc khác rất khéo léo và gần gũi; ở Việt Nam chưa bao giờ có sự xung đột lớn giữa người Hoa với các dân tộc khác; sự dung hòa trong văn hóa làm cho người Hoa có chỗ đứng trong cồng đồng các dân tộc Việt Nam; trong tôn giáo, tínngưỡng người Hoa và người Kinh có nhiều nét tương đồng với nhau; người Hoa đã tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc chống Mỷ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, đã có nhiều người Hoa được nhận huân, huy chương cao quý của Chính phủ Việt Nam; ở người Hoa rất ít có tình trạng hôn nhân cận huyết thống cũng như tảo hôn, tuy nhiên họ lại sinh nhiều con; vấn đề giáo dục được người Hoa hết sức chú trọng, tỷ lệ người Hoa vào đại học rất cao; trước đây người Hoa ít tham gia vào chính trị, nhưng thời gian gần đây xu hướng tham gia vào chính trị đã tăng lên, có nhiều người Hoa tham gia đại biểu Quốc hội.
Ngày 08/11/1995 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Chỉ thị số 62/CT-TW về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 501/TTg ngày 03/8/1996 về thực hiện một số chính sách đối với người Hoa. Nguyên tắc trong công tác người Hoa: người Hoa là công dân Việt Nam, người Hoa là thành phần dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tăng cường đoàn kết người Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nâng cao cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch, lợi dụng người Hoa; nâng cao đời sống mọi mặt, bảo vệ lợi ích chính đáng của người Hoa; với phương châm bình đẳng, đoàn kết, hòa hợp nhằm tạo điều kiện để người Hoa ổn định tư tưởng, yên tâm sinh sống…
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học UBDT đánh giá cao những nội dung do đồng chí Đinh Hồng Vận báo cáo. Những thông tin bổ ích đó sẽ giúp những người làm công tác dân tộc hiểu rõ hơn về dân tộc Hoa, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất những chương trình, chính sách cho Đảng và Nhà nước về các chính sách dân tộc cho người Hoa nói riêng và đồng bào các dân tộc cả nước nói chung.
Sơn Nam
Theo ubdt.gov.vn
[TT: TBC]