Thẩm định Đề án tiền khả thi thành lập Học viện Dân tộc

08:55 AM 13/06/2013 |   Lượt xem: 480 |   In bài viết | 

Thay mặt Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đã giới thiệu quá trình xây dựng Đề án tiền khả thi thành lập Học viện Dân tộc của Ủy ban Dân tộc cũng như một số quan điểm, định hướng về chủ trương thành lập Học viện. Ngay từ thời gian đầu, Ủy ban Dân tộc đã thành lập Ban Soạn thảo Đề án, tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm cũng như mô hình tổ chức của một số học viện liên quan. Sau giai đoạn xây dựng dự thảo Đề án xin chủ trương, Ủy ban Dân tộc đã gửi văn bản xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Tiếp thu các ý kiến góp ý, Ủy ban Dân tộc đã tổng hợp và chỉnh sửa xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi đại diện nhóm tư vấn giới thiệu cấu trúc và trình bày các nội dung chính của Dự thảo Đề án xin chủ trương, đã có 7 ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đạo tạo, tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Cần phân tích và làm rõ nét hơn tính đặc thù của Học viện; Các điều kiện thành lập Học viện như: cơ sở vật chất, nguồn vốn, cơ chế tài chính, đội ngũ giảng viên, đối tượng đào tạo, chương trình đào tạo…; Lộ trình xây dựng; Giải pháp đề xuất để đảm bảo tính khả thi khi triển khai…


Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nhấn mạnh: công tác đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đây là lần đầu tiên UBDT xây dựng Đề án xin chủ trương xây dựng Học viện Dân tộc, do đó không tránh khỏi một số hạn chế về cách trình bày nội dung cũng như định hướng xây dựng. Ban Soạn thảo Đề án của UBDT xin được tiếp thu ý kiến đóng góp của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉnh sửa, hoàn thiện bản Đề án.

Kết luận cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ chủ trương xây dựng Học viện Dân tộc và đề nghị phía UBDT chỉnh sửa Đề án theo hướng: Chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công tác dân tộc; Điều chỉnh quy mô phát triển theo lộ trình để đảm bảo tính khả thi của Đề án; Phân tích rõ các phương án đề xuất trong từng giai đoạn để xây dựng Học viện cũng như thu hút nguồn cán bộ, giảng viên; Đề xuất chính sách, cơ chế tuyển sinh để thu hút con em người dân tộc thiểu số theo học. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sau khi Ủy ban Dân tộc hoàn thiện Đề án xin chủ trương thành lập Học viện Dân tộc.

Việt Cường

Nguồn: ubdt.gov.vn

[TT: TBC]